Table of Contents[Hide][Show]
- 1. Mẫu đơn I-864 là gì?
- 2. 4 Loại đơn I-864 trong hồ sơ bảo trợ tài chính
- 3. Mục đích của Mẫu đơn I-864 là gì?
- 4. Ai cần nộp Mẫu đơn I-864?
- 5. Tài liệu yêu cầu nộp kèm Mẫu đơn I-864
- 6. Hướng dẫn điền Mẫu đơn I-864 cụ thể
- 7. Những lưu ý khi nộp Mẫu đơn I-864
- 8. Chi phí nộp Mẫu đơn I-864 là bao nhiêu?
- 9. Thời gian xử lý Mẫu đơn I-864 mất bao lâu?
Mẫu đơn I-864 là một trong những giấy tờ quan trọng trong quá trình bảo trợ tài chính khi bảo lãnh định cư tại Mỹ. Nếu bạn đang chuẩn bị hồ sơ bảo lãnh cho người thân sang Mỹ, việc hiểu rõ về mẫu đơn này là vô cùng cần thiết. Trong bài viết này, ImmiPath sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về những thông tin quan trọng về đơn I-864.
1. Mẫu đơn I-864 là gì?
Mẫu đơn I-864 (AOS) hay còn gọi là Affidavit of Support, là một bản cam kết tài chính mà người bảo lãnh (thường là công dân hoặc thường trú nhân Mỹ) phải ký khi bảo lãnh người thân nhập cư vào Mỹ. Mẫu đơn này chứng minh rằng người bảo lãnh có khả năng tài chính để hỗ trợ người được bảo lãnh, đảm bảo họ không trở thành gánh nặng cho chính phủ Mỹ.
2. 4 Loại đơn I-864 trong hồ sơ bảo trợ tài chính
Khi bảo lãnh người thân sang Mỹ, việc bảo trợ tài chính là một phần không thể thiếu. Để giúp bạn dễ hiểu hơn, dưới đây là các loại đơn I-864 cần biết:
– Đơn I-864 – Bảo trợ tài chính chính thức: Đây là đơn chính được sử dụng khi bạn bảo lãnh người thân. Bản cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho người được bảo lãnh, đảm bảo họ không trở thành gánh nặng cho chính phủ Hoa Kỳ.
– Đơn I-864A – Hợp đồng giữa người bảo trợ và thành viên gia đình: Nếu bạn cần cộng thêm thu nhập từ thành viên trong gia đình để đáp ứng yêu cầu tài chính, họ sẽ cần ký mẫu này để cùng cam kết hỗ trợ.
– Đơn I-864EZ – Bảo trợ tài chính đơn giản hóa: Phiên bản đơn giản này dành cho những trường hợp không phức tạp, khi bạn có thể dùng thu nhập từ lương để chứng minh khả năng tài chính.
– Đơn I-864W – Yêu cầu miễn bảo trợ tài chính: Mẫu này dành cho những người được miễn yêu cầu bảo trợ, chẳng hạn như người đã làm việc đủ thời gian tại Mỹ để tích lũy tín chỉ an sinh xã hội hoặc con nuôi quốc tế.
3. Mục đích của Mẫu đơn I-864 là gì?
Mẫu đơn I-864 được sử dụng để:
– Chứng minh rằng người bảo lãnh có khả năng tài chính đảm bảo cho người được bảo lãnh không trở thành gánh nặng xã hội.
– Là thỏa thuận giữa người bảo lãnh và Chính phủ Mỹ. Việc hoàn thành và ký xác nhận vào Mẫu đơn I-864 để xác nhận rằng người ký sẽ là người chịu trách nhiệm một cách hợp pháp về việc hỗ trợ tài chính cho người được bảo lãnh định cư Mỹ. Người ký vào Mẫu đơn I-864 cần phải chứng minh đáp ứng được mức thu nhập tối thiểu hoặc có tài sản duy trì để hỗ trợ tài chính cho những người nhập cư trong gia đình ở mức 125% theo Chuẩn nghèo Liên bang.
– Khi ký vào mẫu đơn I-864 đồng nghĩa với việc người ký đồng ý sử dụng nguồn lực của bản thân để hỗ trợ tài chính có những người có ý định nhập cư có tên trong mẫu đơn này. Việc nộp Bản cam kết bảo lãnh tài chính có thể khiến cho người được bảo lãnh không nhận được một số phúc lợi xã hội theo tiêu chuẩn của Liên bang, tiểu bang hoặc địa phương vì một số cơ quan quản lý chi trả các phúc lợi công này sẽ xem xét theo tiêu chuẩn tài chính của người được bảo lãnh có đáp ứng theo điều kiện của chương trình hay không.
– Tạo ràng buộc pháp lý buộc người bảo lãnh chịu trách nhiệm tài chính nếu người nhập cư nhận phúc lợi công cộng.
4. Ai cần nộp Mẫu đơn I-864?
- Tất cả người thân có mối quan hệ trực tiếp với công dân Mỹ (bao gồm vợ/chồng, con cái chưa lập gia đình dưới 21 tuổi và cha mẹ của công dân Mỹ từ 21 tuổi trở lên);
- Tất cả những người nhập cư theo diện bảo lãnh gia đình (con trai, con gái chưa lập gia đình của công dân Mỹ; vợ/chồng và con trai, con gái chưa lập gia đình của thường trú nhân Mỹ; con trai, con gái đã lập gia đình của công dân Mỹ và anh chị em của công dân Mỹ từ 21 tuổi trở lên);
- Những người nhập cư theo diện làm việc chỉ trong trường hợp công dân Mỹ, thường trú nhân hợp pháp hoặc họ hàng là công dân Mỹ đã nộp đơn xin thị thực nhập cư hoặc họ hàng đó có quyền sở hữu đáng kể (5% trở lên) trong đơn vị người được bảo lãnh đã nộp đơn.
Ngoài ra, để đủ điều kiện trở thành người bảo lãnh tài chính có thể nộp Mẫu đơn I-864, cam kết hỗ trợ tài chính cho người đang nộp đơn xin Thẻ xanh Mỹ, người bảo lãnh phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân Mỹ đang sinh sống tại Mỹ.
5. Tài liệu yêu cầu nộp kèm Mẫu đơn I-864
Một số giấy tờ cần nộp kèm Mẫu đơn I-864 gồm:
- Tờ khai thuế thu nhập của người bảo lãnh trong 5 năm gần nhất;
- Bản sao Mẫu W-2 – Báo cáo tiền lương và thuế (nếu có);
- Bản sao Mẫu 1099 – Báo cáo về các khoản thanh toán đã nhận trong năm (nếu có);
- Bằng chứng chứng minh về các tài sản đang sở hữu;
- Bằng chứng về quốc tịch Mỹ (nếu người bảo lãnh là công dân Mỹ);
- Bản sao Thẻ xanh Mỹ (nếu người bảo lãnh là thường trú nhân Mỹ);
- Mẫu đơn I-864 dành cho người bảo lãnh chung;
- Bằng chứng về thu nhập của người bảo lãnh chung (nếu có).
6. Hướng dẫn điền Mẫu đơn I-864 cụ thể
Mẫu đơn I-864 có nhiều thông tin cần điền, nên người bảo lãnh cần đọc kỹ từng mục và điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Người bảo lãnh có thể tùy chọn đánh máy hoặc viết, in rõ ràng bằng mực đen. Nếu cần thêm khoảng trống để điền bất kỳ mục nào trong Mẫu đơn I-864, người bảo lãnh có thể sử dụng khoảng trống được cung cấp trong Phần 11.
Trong trường hợp có những câu hỏi không áp dụng đối với người bảo lãnh thì hãy đánh máy hoặc ghi rõ “N/A” trừ khi có hướng dẫn khác. Nếu câu trả lời của người bảo lãnh cho câu hỏi được yêu cầu trả lời bằng số là số không hoặc không có, người bảo lãnh hãy đánh máy hoặc viết “None” hoặc làm theo hướng dẫn (nếu có).
Mẫu đơn I-864 bao gồm 11 phần dành cho người bảo lãnh và phần mục phụ đầu trang dành cho USCIS. Cụ thể:
– Phần 1: Căn cứ để nộp Bản cam kết bảo lãnh tài chính: Phần đầu tiên của biểu mẫu yêu cầu người bảo lãnh xác định lý do tại sao nộp bản cam kết bảo lãnh tài chính.
– Phần 2: Thông tin về người được bảo lãnh: Yêu cầu cung cấp các thông tin chi tiết về người nhập cư mà người bảo lãnh thực hiện bảo lãnh bao gồm tên, địa chỉ gửi thư, ngày sinh và số điện thoại của họ.
– Phần 3: Thông tin gia đình của người được bảo lãnh: Phần này hỏi về tổng số thành viên gia đình mà người bảo lãnh sẽ bảo lãnh trong bản cam kết. Tuỳ vào số lượng thành viên mà người bảo lãnh cần điền tên và thông tin cá nhân của từng thành viên gia đình đó ngoài người được bảo lãnh chính (nếu có).
– Phần 4: Thông tin về người bảo lãnh tài chính: Người bảo lãnh cần điền các thông tin của bản thân về họ tên, địa chỉ gửi thư, ngày sinh, số an sinh xã hội và các chi tiết khác liên quan đến nhập quốc tịch của người bảo lãnh.
– Phần 5: Quy mô gia đình của người bảo lãnh: Thêm số lượng thành viên gia đình mà người bảo lãnh có trách nhiệm bảo trợ tài chính. Một số người có thể không sống cùng với người bảo lãnh. Người bảo lãnh hãy chắc chắn rằng chỉ đếm 1 lần cho 1 người. Trong một số trường hợp, 1 người có thể được xếp vào 2 nhóm.
– Phần 6: Việc làm và thu nhập của người bảo lãnh: Người bảo lãnh cần cho biết bản thân có đang làm việc hay không thông qua các thông tin như tên của chủ lao động, thu nhập hàng năm, nghề nghiệp, v.v. Lưu ý, người bảo lãnh cần cung cấp Bản sao Tờ khai thuế thu nhập cá nhân nên cần phải trả lời một cách chính xác.
– Phần 7: Sử dụng tài sản để bổ trợ thu nhập (nếu có): Nếu sử dụng các tài sản giá trị đang sở hữu để bổ sung thu nhập theo đúng yêu cầu tài chính đã quy định, người bảo lãnh cần nêu rõ những thông tin đó trong phần này.
– Phần 8: Bản cam kết, Tuyên bố, Thông tin liên hệ, Chứng nhận và Chữ ký của người bảo lãnh: Đọc kỹ bản cam kết sau đó ký và ghi ngày vào bản cam kết đã ký. Nếu không ghi ngày vào bản cam kết trên, người nhập cư được bảo lãnh sẽ không được cấp visa hoặc không được chấp thuận để điều chỉnh trạng thái.
– Phần 9: Thông tin liên lạc, chứng nhận và chữ ký của phiên dịch viên: Nếu sử dụng phiên dịch viên trong quá trình hoàn thiện Mẫu đơn I-864, người bảo lãnh cần người phiên dịch viên đó điền vào phần này và cung cấp các thông tin về tên, địa chỉ công ty, số điện thoại, địa chỉ email. Đồng thời phiên dịch viên phải ký và ghi ngày vào bản cam kết.
– Phần 10: Thông tin liên lạc, Tuyên bố và Chữ ký của Người chuẩn bị Bản cam kết này nếu không phải là người bảo lãnh: Bất kỳ ai đã giúp người bảo lãnh hoàn thành bản cam kết này đều cần phải ký và ghi ngày vào bản cam kết để xác nhận.
– Phần 11: Thông tin bổ sung
Như đã đề cập, nếu người bảo lãnh cần thêm khoảng trống để điền bất kỳ mục nào trong Mẫu đơn I-864, người bảo lãnh hãy sử dụng khoảng trống được cung cấp trong phần này. Đối với các thông tin bổ sung cần đính kèm vào một tờ giấy riêng; đánh máy hoặc viết in tên và số đăng ký người nước ngoài (A-Number) của bản thân ở đầu mỗi tờ giấy. Lưu ý, cần ghi rõ số trang, số phần và số mục mà câu trả lời bổ sung đó đề cập đến. Đồng thời, người bảo lãnh cần ký tên và ghi ngày vào mỗi tờ giấy. Ngoài ra, người bảo lãnh cũng nên sao lưu 1 bản cam kết bảo lãnh tài chính đã hoàn thành để xem lại trong tương lai và để lưu hồ sơ.
7. Những lưu ý khi nộp Mẫu đơn I-864
Để hoàn thành mẫu này, người bảo lãnh cần cung cấp những thông tin bên dưới khi điền Mẫu đơn I-864 nhằm tăng tỷ lệ chấp thuận, gồm:
- Tên và địa chỉ của người được bảo lãnh chính;
- Tên của các thành viên gia đình của người được bảo lãnh chính và mối quan hệ của họ với người được bảo lãnh chính;
- Người sử dụng lao động và thu nhập hàng năm của người bảo lãnh;
- Thu nhập hàng năm của bất kỳ thành viên hộ gia đình nào có ý định đóng góp vào việc bảo lãnh tài chính cho người được bảo lãnh chính;
- Thông tin về bất kỳ ai mà người bảo lãnh đã bảo lãnh trước đó trên Mẫu đơn I-864.
Bên cạnh đó, người được bảo lãnh chính phải nộp Mẫu đơn I-864 gốc để lưu hồ sơ cùng với các bằng chứng hỗ trợ được dùng để chứng minh thu nhập của người bảo lãnh. Mẫu đơn I-864 được coi là bản gốc nếu được ký bằng mực đen. Người được bảo lãnh chính cũng phải nộp bản sao của Mẫu đơn I-864 đã hoàn thành cho mỗi thành viên gia đình đi cùng. Bản sao của các giấy tờ tài chính hỗ trợ không bắt buộc đối với các thành viên gia đình của người được bảo lãnh chính.
8. Chi phí nộp Mẫu đơn I-864 là bao nhiêu?
Theo thông tin mới nhất vào ngày 23/9/2024, đương đơn không cần phải trả phí khi nộp Mẫu đơn I-864 cho USCIS hoặc Bộ ngoại giao khi nộp hồ sơ ở Mỹ. Trong trường hợp nộp hồ sơ ngoài Mỹ, người bảo lãnh cần đóng khoản phí nộp đơn là 120 USD.
9. Thời gian xử lý Mẫu đơn I-864 mất bao lâu?
Hiện tại, thời gian xử lý Mẫu đơn I-864 là khoảng 9.3 tháng nhưng khoảng thời gian này còn thay đổi tùy thuộc vào tình trạng của mỗi đương đơn cũng như số lượng đơn tồn đọng đang chờ xử lý.
Mẫu đơn I-864 đóng vai trò quan trọng trong việc bảo trợ tài chính khi bảo lãnh người thân định cư tại Mỹ. Việc hiểu rõ các loại đơn, cách điền và chuẩn bị đầy đủ tài liệu kèm theo sẽ giúp bạn tránh được những sai sót không đáng có, từ đó rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc điền mẫu đơn I-864 hoặc cần tư vấn thêm về quy trình bảo lãnh định cư Mỹ, hãy liên hệ ngay với ImmiPath. Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, chúng tôi cam kết hỗ trợ bạn chuẩn bị hồ sơ chính xác, nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Liên hệ với ImmiPath ngay hôm nay để nhận được sự tư vấn chuyên nghiệp và giải đáp mọi thắc mắc của bạn!
Leave a Reply